Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 6

* CHÚA GIÊSU BỊ GIẢI NẠP CHO PHILATÔ;

* CHÚA GIÊSU BỊ ĐÁNH ĐÒN VÀ ĐỘI MÃO GAI

 Theo lời các Thánh Sử (Mt 27:1, Mc 15:1, Lc 22:66, Gioan 11:47), sáng sớm ngày thứ Sáu, các kỳ lão, trưởng giáo và ký lục tụ họp để chung quyết án tử hình Chúa Giêsu. Tất cả những người đó đều muốn Chúa Giêsu phải chết; họ mưu mô làm cách nào cho có vẻ công lý trước mắt dân chúng. Hội đồng này tụ họp tại nhà thượng tế Caipha, nơi Chúa Giêsu bị giam giữ. Lần nữa họ cho lệnh điệu Chúa từ hầm tù dưới đất lên hội đường để chịu xét xử. Bọn lính lôi Chúa lên, vẫn còn bị trói và bị hành hạ như trước. Họ lại bắt Chúa nói cho họ biết Chúa có phải là Chúa Cứu Thế, là Đấng Được Xức Dầu không (Lc 22:67). Cũng y như lời chất vấn trong đêm thứ Năm, lời chất vấn hôm nay được đưa ra với ý định hiểm độc: không phải để nghe hoặc nhận biết sự thực, mà để vu khống và thêu dệt tội trạng chống lại Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã không chối cãi điều đó. Đồng thời Chúa không muốn tuyên bố theo cách mà họ có thể khinh thị lời Chúa, hoặc mượn từ đó ít màu mè cho lời họ vu khống. Chúa trả lời theo cách mà nếu các người biệt phái chọn chịu khuất phục cho dù đối với tình cảm ít tử tế nhất, hẳn họ có thể tìm ra được mầu nhiệm tàng ẩn trong lời Chúa. Nếu họ không có được tình cảm như thế, thì hiển nhiên qua lời họ: tội ác họ gán cho Chúa là kết quả những ý định ác độc của họ chứ không nằm trong lời Chúa đáp lại. Vì thế Chúa nói với họ: “Nếu Tôi nói với các ông (rằng) Tôi là Đấng Mà các ông hỏi, các ông cũng không tin lời Tôi; và nếu Tôi hỏi các ông, các ông cũng không trả lời, cũng không tha Tôi. Nhưng từ giờ phút này Con Người sẽ ngự bên hữu Đấng Toàn Năng”. Mọi người đồng thanh: “Vậy Ông là Con Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Các ông nói đó: Chính Là Tôi.” Lời này như là Chúa nói: Các ông suy diễn chính xác, Tôi là Con Thiên Chúa; vì mọi việc Tôi làm, các giáo lý của Tôi, và chính Sách Thánh, cũng như những điều các ông đang làm đối với Tôi, chứng minh sự thực Tôi là Chúa Cứu Thế, Đấng đã được hứa trong Sách Lề Luật.

Nhưng hội đồng những người ác độc này không có thiện chí nghe và hiểu lời chân lý Chúa nói, mặc dầu chính họ có thể suy luận rất đúng về sự thực đó rút từ Sách Thánh, và có thể dễ dàng tin lời Chúa. Họ không đồng ý, cũng không tin; nhưng thích gọi đó là lộng ngôn phạm thượng đáng phải chết. Vì lúc này Chúa Giêsu tái xác nhận những lời Chúa đã nói chiều hôm trước, họ đồng thanh kêu lên: “Chúng ta còn cần thêm chứng cớ gì nữa, vì chính miệng Nó xác nhận điều đó?” Họ lập tức đồng thanh kết luận rằng Chúa đáng phải chết, phải bị giải nạp cho Pontiô Philatô, đại diện Hoàng Đế La Mã làm Tổng Trấn xứ Judea.

Mặt trời đã mọc khi những việc này xảy ra, từ phòng cầu nguyện Mẹ Maria chứng kiến mọi việc. Mẹ quyết định rời khỏi phòng tĩnh tâm, đi theo Con cực thánh tới dinh Philatô, cho tới khi Chúa chết trên Thánh Giá. Khi Mẹ Maria sắp sửa rời khỏi Nhà Tiệc Ly, thánh Gioan tới tường trình với Mẹ mọi việc. Thánh Gioan không biết gì về các thị kiến mà qua đó Đức Hiền Mẫu Maria thấy rõ mọi sự việc và những đau khổ Con cực thánh Mẹ phải chịu. Sau khi thánh Phêrô chối Chúa, thánh Gioan rút ra xa theo dõi mọi diễn tiến. Ngài cũng nhìn nhận sự yếu đuối của mình vì chạy trốn trong Vườn Cây Dầu. Ngay khi gặp lại Mẹ Maria, thánh Gioan đã thú tội đó và xin Mẹ tha thứ. Ngài kể lại mọi việc xảy ra trong vườn Cây Dầu, các việc ngài đã làm và những điều ngài thấy trong khi đi theo Thầy chí thánh. Thánh Gioan nghĩ rằng cần phải chuẩn bị Mẹ Maria đau khổ cho cuộc tương phùng Con cực thánh, để Mẹ không bị tràn ngập bởi cảnh tượng hãi hùng trong hoàn cảnh hiện tại của Chúa. Thánh Gioan tìm cách nói với Mẹ Maria về một vài hình ảnh khổ hình Chúa phải chịu: “Thưa Mẹ yêu dấu, Thầy chí thánh của chúng ta phải chịu đau khổ biết chừng nào! Trái tim không thể nào không tan nát khi nhìn thấy Thầy; vì những đánh đập và đờm dãi, Khuôn Mặt cực đẹp của Thầy sưng húp và dơ dáy đến mức Mẹ khó mà nhận được Thầy.” Mẹ Maria lắng nghe thánh Gioan tường thuật; Mẹ khóc cay đắng đau đớn; Trái Tim Mẹ tan nát. Các phụ nữ thánh thiện, cùng đi với Mẹ Maria, cũng nghe các lời thánh Gioan tường thuật, các bà đều phiền sầu và kinh hoàng. Mẹ Maria yêu cầu thánh Gioan cùng đi với Mẹ và các phụ nữ: “Chúng ta hãy rảo bước, để chính mắt mẹ có thể nhìn thấy Con Thiên Chúa Cha hằng hữu, Đấng mặc thân xác loài người nơi lòng mẹ. Các bạn chí thiết của mẹ, các bạn sẽ thấy Chúa bị thúc đẩy bởi tình yêu thương nhân loại đến chừng nào, Chúa phải trả giá đắt chừng nào để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi, khỏi chết đời đời, và mở cửa thiên đàng cho họ.” 

Mẹ Maria đi qua đường phố Jerusalem, có thánh Gioan và một số phụ nữ thánh thiện đi theo. Nhưng chỉ có thánh Gioan, ba bà cùng tên Maria và một số bà rất đạo đức khác đã theo Mẹ tới cùng. Mẹ đã nhờ các thiên thần mở lối đến với Con chí thánh. Dọc đường Mẹ nghe người ta diễn tả ý kiến và tình cảm khác nhau về các việc lúc này đang xảy ra cho Chúa Giêsu Nazareth. Rất ít người có lòng trắc ẩn khóc thương Chúa. Những người khác nói tới việc các người thù ghét Chúa muốn đóng đanh Chúa. Những người khác nói lúc này Chúa đang ở đâu, bị điệu đi qua các đường phố, bị trói như tên đại trọng phạm. Người khác nữa nói tới những hành hạ thống khổ Chúa đang phải chịu. Có người hỏi Chúa đã làm điều gì tàn ác đến nỗi bị hành hạ quá sức như thế. Nhiều người sửng sốt và hoài nghi, la lên: “Những phép lạ Ông Ấy đã làm đem lại cho Ông Ấy đến thế này sao! Rõ ràng những phép lạ ấy chỉ là lừa đảo, vì Ông Ấy không tự bào chữa hoặc giải thoát!”

Các thiên thần hướng dẫn Mẹ Maria, qua những đám đông lũ lượt hỗn loạn, tới một góc phố, nơi đây Mẹ gặp Con cực thánh. Với lòng tôn kính sâu thẳm, Mẹ Maria quì sụp xuống đất thờ lạy Ngôi Vị Thiên Chúa, dâng lên Chúa việc tôn thờ thẳm sâu và nhiệt thành hơn như đã được hoặc sẽ được các thụ tạo thi hành đến muôn đời. Mẹ Maria chỗi dậy; Mẹ Con nhìn nhau vô cùng trìu mến, huyền nhiệm trao đổi sự đau buồn khôn tả. Mẹ Maria bước sang một bên đi theo, tiếp tục từ xa việc đàm thoại huyền nhiệm với Chúa Cứu Thế và với Thiên Chúa Cha hằng hữu. Không ai có thể diễn tả những lời linh hồn Mẹ Maria đối thoại với Chúa Cứu Thế và với Thiên Chúa Cha trong dịp này. Hình ảnh Con Thiên Chúa bị thương tích, bị làm cho dơ bẩn, bị trói, bị hành hạ ghi khắc vĩnh viễn không bao giờ phai mờ nơi linh hồn Mẹ, luôn hiện lên rõ ràng trước mắt Mẹ.

Chúa Cứu Thế bị điệu tới dinh Philatô, nhiều người trong hội đồng và vô số dân chúng đi theo. Những người đó, vì muốn giữ mình sạch theo luật để mừng Lễ Vượt Qua, đã cáo lỗi với Philatô, không vào dinh Tổng Trấn để nạp Chúa Giêsu. Philatô, mặc dầu là người ngoại giáo, đã nhượng bộ những thận trọng quá đáng về nghi lễ của họ. Khi thấy họ ngần ngại không vào trong dinh Tổng Trấn, Philatô đã đi ra gặp họ. Theo tập quán nghi lễ của người La Mã, Philatô hỏi họ: “Các ông cáo buộc Người Này tội gì?” Họ đáp: “Nếu Nó không phải là trọng phạm, chúng tôi đã không điệu Nó bị trói và đánh đập như thế này đến cho ông.” (Gioan 18:28). Nhưng Philatô gằn hỏi: “Những tội ác mà các ông cáo buộc Ông Ta là những tội gì?” Họ đáp: “Nó bị buộc tội phá rối công ích, Nó muốn tự mình làm vua chúng tôi và cấm nạp thuế cho Caesa (Lc 23:2); Nó tự xưng mình là Con Thiên Chúa, rao giảng giáo lý mới, khởi đầu từ Galilea, qua miền Judea và Jerusalem.” Philatô nói: “Tự các ông hãy đưa Ông Ta đi mà xét xử theo luật của các ông; tôi không tìm thấy nguyên cớ gì kết tội Ông Ta.” Nhưng các người đó đáp lại: “Chúng tôi không được phép kết tội chết cho ai, cũng không được thi hành bản án như thế.” Mẹ Maria, cùng với thánh Gioan và các phụ nữ đi với Mẹ, hiện diện tại cuộc đối chất này; các thiên thần đã sắp đặt cho Mẹ và các ngài chỗ đứng để có thể nghe và thấy mọi việc xảy ra. Mẹ Maria, núp trong khăn choàng đầu, đã khóc huyết lệ tuôn tràn vì nỗi đau đớn xuyên thấu Trái Tim cực trinh khiết. Bằng những hành động thánh đức âm thầm, Mẹ Maria đã trung thành lặp lại các hành động được Con cực thánh Mẹ thực hiện, trong khi đó Mẹ cũng chịu những đau đớn thống khổ y như trên Thân Xác cực thánh Chúa Giêsu. Mẹ Maria đã xin Thiên Chúa Cha hằng hữu cho Mẹ đặc ân luôn nhìn thấy Con cực thánh Mẹ, càng tự nhiên càng tốt, cho tới khi Chúa Giêsu chịu chết. Thiên Chúa Cha ban cho Mẹ đặc ân này, ngoại trừ thời gian Chúa Giêsu ở trong hầm tù.

Một trong những lời các người Do Thái và tư tế hiện diện cáo buộc Chúa Giêsu trước mặt Philatô là Chúa Giêsu đã khuấy động dân chúng bằng việc Chúa khởi sự giảng dạy ở xứ Galilea (Lc 23:6). Lời tố cáo này khiến Philatô hỏi có đúng Chúa Giêsu là người xứ Galilea không. Philatô nghĩ đây là cơ may có thể giúp ông ta giải quyết những khó khăn về Chúa Giêsu và thoát khỏi việc chọc giận những người Do Thái hiện diện, những người này cương quyết đòi Chúa phải chết. Herode dịp đó đang ở Jerusalem mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Herode này là con của Herode I, người đã tàn sát các Thánh Anh Hài để mưu giết Chúa Giêsu ngay sau khi Chúa giáng sinh (Mt 2:16). Tên hôn quân sát nhân Herode I là người tòng Do Thái giáo khi cưới một phụ nữ Do Thái. Vì thế con ông ta, Herode (thứ) đã từ Galilea, nơi ông ta là Toàn Quyền, tới Jerusalem mừng Lễ theo luật Maisen. Philatô thù nghịch với Herode vì hai người cai trị hai miền chính của nước Palestine là Judea và Galilea, và trước đó không lâu Philatô, vì nhiệt thành với quyền tối thượng của đế quốc La Mã, đã tàn sát một số người Galilea khi họ thi hành phận sự chung trong đền thờ. Herode hết sức tức giận vì hành động phạm thánh này. Philatô, để làm hài lòng Herode một chút mà không mất mặt gì nhiều, đã quyết định gởi Chúa Giêsu tới cho Herode xét xử vì Chúa Cứu Thế là người thuộc vùng ông ta quản trị. Philatô cũng hy vọng Herode phóng thích Chúa Giêsu vì Chúa là Nạn Nhân của ác tâm đố kị của các tư tế và ký lục.

Herode rất hoan hỉ khi được thông báo Philatô sẽ gởi Đức Giêsu Nazareth tới cho ông ta. Herode biết Chúa Giêsu là bạn chí thiết của thánh Gioan Tẩy Giả, người mà Herode đã ra lệnh chặt đầu (Mc 6:27), và ông ta đã nghe nói nhiều về việc Chúa giảng dạy. Vì tò mò và điên khùng, Herode nuôi ảo vọng được thấy Chúa Giêsu làm phép lạ để thoả mãn lòng hiếu kỳ của ông ta (Lc 23:8). Vì thế, Đấng tạo dựng muôn loài đã đến trước mặt tên sát nhân Herode. Nhưng tên hôn quân bất hạnh đó, không biết được sự phán xét kinh sợ của Đấng Toàn Năng, đã đón Chúa bằng tiếng cười lớn ngạo nghễ chẳng khác gì Chúa là thầy bùa làm trò ảo thuật. Herode hạch hỏi Chúa, y tin chắc có thể bắt Chúa làm phép lạ để thoả mãn hiếu kỳ của y. Nhưng Chúa sự khôn ngoan thận trọng, đứng đó với thái độ kín đáo khiêm tốn trước mặt viên quan toà bất xứng nhất, đã không nói một lời. Vì những việc ác độc ông ta đã làm, ông ta đáng bị hình phạt không đáng được nghe lời hằng sống.

Các chức sắc và tư tế Do thái hiện diện không ngừng nhắc lại cũng những lời cáo buộc họ đã nói với Philatô. Nhưng Chúa vẫn im lặng trước những vu khống này, càng làm cho Herode thất vọng. Chúa Giêsu không hề hé môi trả lời các câu hỏi của ông ta, Chúa cũng không hé môi bác bỏ những lời cáo buộc. Herode hoàn toàn không xứng đáng nghe chân lý, đây là hình phạt nặng nhất dành cho ông ta và là hình phạt đáng kinh sợ nhất đối với các thế lực trần gian. Herode lúng túng bực bội vì sự im lặng hiền lành của Chúa Cứu Thế và thất vọng vì tính hiếu kỳ hão huyền của ông ta. Nhưng viên quan toà bất công đó cố gắng che giấu sự bối rối bằng cách đã cùng với đám lính hầu giễu cợt, chế nhạo, đánh đấm, cho khoác áo lụa trắng lên mình Chúa, rồi cho điệu trả lại cho Philatô. 

Philatô lại phải đối diện với Chúa Giêsu, lại bị áp lực buộc kết án Chúa chết trên thập giá. Tin chắc Chúa Cứu Thế vô tội nhưng bị giới lãnh đạo Do Thái thù ghét, Philatô bối rối vì Herode trao lại việc phán quyết bất công cho ông ta. Thấy mình phải xét xử và đưa ra phán quyết, Philatô tìm nhiều cách làm nguôi lòng hận thù của những người đó. Một trong những cách đó là tiếp xúc riêng với một số tay chân, bạn bè của các thượng tế và biệt phái. Philatô thúc giục những người này thuyết phục chủ và bạn hữu của họ đừng xin tha tên bất lương Barabas nữa mà xin tha Chúa Cứu Thế; và thuyết phục họ bằng lòng với hình phạt nào đó mà Philatô sẵn sàng cho áp dụng trước khi phóng thích Chúa Cứu Thế. Philatô đưa ra đề nghị chọn lựa phóng thích hoặc Barabas hoặc Chúa Giêsu, không phải chỉ một lần, mà tới hai hoặc ba lần. Lần thứ nhất trước khi gởi Chúa tới cho Herode, lần thứ nhì sau khi Chúa bị điệu trở lại; các Thánh Sử tường thuật sự kiện này hơi khác đôi chút, tuy nhiên không trái với sự thực (Mt 27:17). Philatô nói với những người tố cáo Chúa Giêsu: “Các người đưa Vị Này đến trước mặt tôi, cáo buộc Ông Ấy đưa dân chúng vào con đường lầm lạc vì những giáo lý mới; tôi đã xét xử trước mặt các người, tôi không tìm thấy sự thực trong lời các người cáo buộc. Tôi đã gởi Vị Này tới cho Herode. Các người lặp đi lặp lại cũng những lời tố cáo đó, nhưng Herode đã từ chối không kết tội Vị Này. Hẳn là đủ nếu sửa phạt Ông Ta lần này để Ông Ta có thể sửa đổi. Vì một đại phạm nhân sẽ được phóng thích dịp Lễ Vượt Qua, tôi sẽ phóng thích Ông Kitô, các người có bằng lòng phóng thích Ông Ấy và xử Barabas không?” Nhưng những người hiện diện, vì bị xúi bẩy, đồng thanh la lên: “Không phải, không phải, không phải Kitô, mà hãy phóng thích Barabas cho chúng tôi.”

Trong khi Philatô đang nói với dân Do thái ở tiền đường, vợ ông ta, bà Procula, nhắn nói với ông ta: “Ông làm gì với Vị Này vậy? Hãy để cho Ngài đi tự do; vì hôm nay tôi có nhiều giấc mơ về Ngài!” Bà Procula hết sức sợ hãi vì những điều thấy trong giấc mơ. Ngay khi nghe biết các việc đang xảy ra giữa người Do thái và chồng bà, bà gởi đến ông chồng lời cảnh cáo: “Đừng dính líu gì tới Vị Này, cũng đừng kết án Ngài phải chết” (Mt 27:19). Philatô bắt đầu cuộc mặc cả lần thứ ba, khẳng định Chúa Kitô vô tội và nhấn mạnh nhiều lần rằng ông ta không tìm thấy nơi Chúa lỗi lầm nào để đáng phải chết, vì thế ông ta sẽ cho đánh đòn rồi phóng thích (Lc 23:22). Philatô đã thực sự trừng phạt đánh đòn Chúa Kitô để xem những người Do Thái hiện diện đó có hài lòng không. Nhưng những người đó nhất quyết đòi Chúa Kitô phải chịu đóng đanh thập giá. Vì thế Philatô sai lấy nước rửa tay và phóng thích Barabas. Philatô rửa tay trước mặt mọi người và nói: “Tôi không dính dáng gì tới cái chết của Người Công Chính Này do các ngươi kết án. Các ngươi phải chịu trách nhiệm mọi việc các ngươi đang làm. Tôi rửa tay để các ngươi hiểu rằng tôi không bị dơ vì máu Người Vô Tội.” Philatô nghĩ rằng với nghi thức rửa tay, ông ta có thể hoàn toàn được xá miễn, có thể trút trách nhiệm tội ác đó lên đầu các chức sắc và người Do Thái đòi giết Chúa Cứu Thế. Những người hiện diện quá sức mù quáng điên khùng dại dột, đến mức để đạt được việc Chúa Giêsu chịu đóng đanh trên thập giá, họ đã thoả thuận với Philatô, tự nhận lấy cho mình và cho con cháu trách nhiệm về tột độ đại trọng tội này.

Trong dinh Philatô, các thiên thần sắp đặt để Mẹ Maria đứng tại địa điểm mà từ đó có thể nghe những lời thương lượng của viên quan tòa bất công bất lực Philatô với các ký lục và tư tế liên quan đến sự vô tội của Chúa Cứu Thế, về việc họ muốn phóng thích Barabas hơn Chúa Kitô. Y hệt Con chí thánh, Mẹ Maria đã im lặng nhẫn nhục nghe tất cả những tiếng gầm rống giận dữ của lũ cọp người này. Mặc dầu Mẹ bình tĩnh, khiêm tốn, mọi lời nói ác độc của những người đó đã đâm thủng trái tim đau khổ Mẹ. Những tiếng nói của nỗi thống khổ không cất thành lời của Mẹ Maria được Thiên Chúa Cha hài lòng âu yếm lắng nghe hơn lời than khóc của mỹ nhân Rachael không ngừng khóc các con bà vì chúng không được hồi sinh (Jer. 31:15). Mẹ Maria, Rachael tuyệt vời của chúng ta, đã không oán hận, nhưng xin ơn tha thứ cho các kẻ thù, bọn này đã cướp đi Con Một vô cùng yêu dấu Thiên Chúa Cha và của Mẹ. Mẹ Maria bắt chước mọi hành động của linh hồn cực thánh Chúa Kitô, theo Chúa trong các việc làm cực kỳ thánh thiện trọn lành. Những đày đọa thống khổ Mẹ phải chịu không thể cản trở lòng Mẹ yêu thương. Sự đau đớn không làm giảm bớt lòng nhiệt thành của Mẹ. Sự bối rối không thể làm Mẹ bớt chú ý. Những hành hạ tàn bạo của đám đông cũng không cản được Mẹ tập trung nội tâm. Dưới bất cứ hoàn cảnh nào Mẹ cũng thực hành các thánh đức cao cả nhất với mức độ siêu việt nhất.

Lucifer xúi giục các tư tế và biệt phái bằng tất cả mưu mô ác độc kinh khủng dã man tàn ác. Philatô bị đặt giữa chân lý và các nhận xét có tính cách nhân loại của mình đã chọn theo những chỉ dẫn lầm lạc của loài người. Ông ta ra lệnh Chúa Giêsu phải chịu đánh đòn hết sức dã man, mặc dầu chính ông ta đã từng tuyên bố Chúa không có tội tình gì (Gioan 19:1). Bọn tay sai của Satan cùng với nhiều người khác đưa Chúa Giêsu tới nơi hành hình tra tấn. Đây là cái sân dành riêng cho việc tra tấn trọng phạm để bắt thú nhận tội trạng. Sân này có tường thấp vây quanh, có lối ra vào để ngỏ, có những trụ đá, một số cột cao chống đỡ mái nhà, và một vài cột thấp hơn rải rác.

Trước hết chúng lột áo dài màu trắng, hành động này cũng sỉ nhục không kém khi chúng khoác lên mình Chúa áo lụa này tại dinh của tên hôn quân sát nhân Herode (thứ). Khi cởi dây thừng và xích sắt trói tay Chúa liên tục từ lúc khởi đầu trong vườn Cây Dầu, bọn lý hình đã ác độc mở rộng các thương tích do dây trói tạo ra nơi cánh tay và cổ tay Chúa. Sau khi đã thả lỏng hai bàn tay Chúa, chúng hỗn hào ra lệnh cho Chúa tự mình lột áo dài không có đường may Chúa mặc lót bên trong. Đây chính là chiếc áo Mẹ Maria đã mặc cho Chúa ở Ai Cập ngày Chúa chập chững biết đi.

Bọn lý hình ác độc trói Chúa trần truồng vào một trong các trụ đá và đánh vô cùng tàn nhẫn. Cặp lý hình thứ nhất khởi sự đánh Chúa bằng roi tua gồm những sợi dây thừng to cứng, có nhiều nút thắt. Với thú tính tột cùng man rợ, chúng dồn hết sức lực vào những roi đòn giáng xuống Thánh Thể Chúa. Trận đánh đầu tiên này tạo ra trên Thánh Thể Chúa những lằn roi lớn chằng chịt, những chỗ sưng vù bầm tím; máu thánh tụ lại dưới làn da làm biến thể toàn thân Chúa. Rồi máu từ các vết thương vọt ra. Sau khi đánh Chúa một lúc lâu, cặp lý hình thứ nhất ngừng tay. Cặp thứ nhì tiếp tục trận đánh còn dữ dội dã man hơn nhiều. Chúng quất ngọn roi tua bằng da cứng trên khắp những nơi đã bị thương làm cho những chỗ máu tụ vỡ tung ra; máu thánh Chúa tuôn xối xả bắn tung tóe làm ướt sũng áo quần bọn lý hình phạm thánh, chảy xuống đất như suối. Cặp lý hình thứ nhì nhường chỗ cho cặp thứ ba. Hai tên này đánh Chúa bằng roi da sống thật cứng, khô cứng như những cành liễu gai. Cặp thứ ba này đánh Chúa còn dữ dằn ác độc hơn hai cặp trước, vì chúng không gây ra thương tích trên thân xác tinh tuyền của Chúa nhưng xoáy vào các vết thương do hai cặp trước tạo ra. Hơn nữa hai tên này còn bị bọn quỉ dữ âm thầm xúi giục làm cho căm tức dữ dội hơn nữa, lũ ác quỉ vô cùng căm tức vì đức nhẫn nhục của Chúa Cứu Thế.

Vì các mạch máu trên Thánh Thể Chúa lúc này đã bị mở ra hết, khắp châu thân Chúa là một khối thương tích liền không nơi nào lành, cặp lý hình thứ ba không tìm được điểm nào để chúng tạo ra thương tích mới. Những roi đòn dã man ác độc chúng liên tiếp trút xuống đã xé da thịt tinh tuyền không tì vết của Chúa Cứu Thế, làm cho nhiều mảnh da thịt lớn bằng bàn tay bắn tung tóe rải rác trên đất để lộ xương vai, xương sườn. Vì không còn một chỗ nào để chúng có thể phát tiết con giận dữ hận thù đối với Con Chiên vô cùng thanh khiết này, và để hủy hoàn toàn vẻ đẹp tuyệt vời hơn hết cả loài người (Tv 44:3), chúng đánh trên hai bàn tay, hai bàn chân và mặt Chúa. Trận đánh vào mặt, hai bàn tay và hai bàn chân làm cho Chúa đau đớn khôn tả. Khuôn mặt cực thánh Chúa sưng vù, cặp mắt sưng húp không mở ra được. Ngoài những roi đòn đánh, bọn lý hình còn khạc nhổ đờm dãi vào Chúa và lăng nhục Chúa (Thren. 3:30). Chúa, Đấng tạo thành muôn loài bị hạ xuống thành một người đầy đau khổ như đã được tiên báo, phải mang những yếu nhược của chúng ta, trở nên chót cùng trong loài người (Is. 53:3), một người đầy những đau đớn, bị ruồng bỏ giữa muôn người.

Đám đông đi theo Chúa đứng đầy sân dinh Philatô và các đường phố chung quanh, họ ngóng chờ kết quả biến cố này, trao đổi về biến cố này theo quan điểm từng người. Giữa những rối loạn này, Mẹ Maria cực trinh khiết phải nghe những lời sỉ nhục tột cùng, những lộng ngôn phạm thượng chồng chất trên Con cực thánh. Khi chúng điệu Chúa tới nơi tra tấn, Mẹ Maria, các bà cùng tên Maria và thánh Gioan rút vào đứng tại một góc sân; tại đây Mẹ, được thị kiến linh thánh trợ giúp, chứng kiến mọi tra tấn hành hạ Chúa Cứu Thế.

Chúng ta không thể nào hiểu những đau đớn buồn phiền Mẹ Maria phải chịu lớn lao và gồm nhiều loại khác nhau, Mẹ Maria cảm thấy nơi thân xác Mẹ những hành hạ đau đớn nơi thánh thể Chúa Kitô, Con Mẹ. Khi Chúa Cứu Thế chịu cực hình tra tấn đánh đòn, Mẹ Maria cảm thấy những đau đớn khắp châu thân cùng một cường độ như Chúa Giêsu cảm thấy trên thánh thể Chúa. Mặc dầu trên xác thánh Mẹ không có máu chảy ngoại trừ huyết lệ từ cặp mắt Mẹ trào ra, không có thương tích da thịt rách nát trên thân xác cực trinh khiết Mẹ. Những đau đớn cũng đã làm cho khuôn mặt Mẹ bị méo mó, đến độ thánh Gioan và các phụ nữ thánh thiện không thể tìm được trên mặt Mẹ chút nào hình dáng lúc bình thường.

Bọn lý hình đưa Chúa Giêsu trở lại sân dinh tổng trấn, tại đây, cũng mức độ ác độc tàn bạo và khinh miệt như trước, chúng lại lột áo Chúa ra, rồi khoác lên mình Chúa tấm áo choàng mầu tím rách rưới dơ bẩn để nhạo báng là vua giả. Chúng đặt trên đầu Chúa cái vương mão giả bằng gai sọng (Gioan 19:2). Chúng chủ tâm hướng hầu hết các gai lớn cứng vào phía trong để đâm vào đầu Chúa, một số gai đâm vào hai bên thái dương và trán Chúa. Khổ hình đội mão gai làm cho Chúa Giêsu đau đớn vô cùng. Chúng đặt vào tay Chúa khúc sậy dơ bẩn làm vương trượng hoặc phủ việt gỉa. Chúa, Đấng từ chính bản tính và quyền năng của mình là Vua các vua, Chúa trên hết các chúa, đã bị hóa trang trong y phục vua giả (Kh 19:16). Kế đó, trước mặt các tư tế và biệt phái, tất cả các tên lính hiện diện đã chồng chất lên Chúa những lời chế giễu phạm thượng và trò hề của chúng. Một vài đứa quì gối trước mặt Chúa chế nhạo: “Xin Thiên Chúa bảo vệ Ngài, muôn tâu Vua Do Thái.” Một số đứa đấm đánh Chúa, nhiều tên lính khác giựt lấy khúc cây trong tay Chúa và đánh trên mão gai, những tên khác khạc nhỗ đờm dãi vào mặt và miệng Chúa. Tất cả bọn lính, bị ma quỉ xúi giục, đã sỉ nhục hành hạ Chúa bằng nhiều cách khác nhau.

Philatô nghĩ rằng hình ảnh một người bị hành hạ quá sức tàn nhẫn như Đức Giêsu Nazareth hẳn làm cảm động và trút đầy sự xấu hổ vào trái tim bọn người bội bạc đó. Ông ta cho lệnh đưa Chúa Giêsu từ công đường ra một cửa sổ ngỏ, nơi mọi người có thể thấy Chúa với mão gai trên đầu, không còn nguyên vẹn hình hài vì trận đòn đánh và y phục vua giả nhục nhã. Philatô nói với đám đông: “Ông Ta đây!” (Gioan 19:5). Lời này của Philatô có thể được hiểu: “Các ngươi hãy nhìn xem Người Này, Người mà các ngươi coi là thù địch của các ngươi! Tôi có thể làm gì cho Ngài hơn là đã phạt theo cách khốc liệt như thế này. Hẳn các ngươi không còn gì phải sợ gì nữa.”

Mẹ Maria, Đấng được chúc phúc hơn hết mọi phụ nữ, nhìn thấy Con của Mẹ khi Philatô đưa Chúa ra cho dân chúng thấy và nghe ông ta nói: “Ông Ta đây!”, đã quì xuống công khai thờ lạy Chúa là Thiên Chúa thực và người thực. Thánh Gioan, các phụ nữ thánh thiện, cùng với các thiên thần hộ vệ Mẹ Maria cũng quì xuống công khai thờ lạy Chúa; vì các ngài thấy không phải chỉ riêng Mẹ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, mà chính Thiên Chúa Cha cũng muốn mọi người hành động như thế.

LỜI MẸ MARIA

 

Con yêu quí của Mẹ, con hãy nghĩ kỹ xem con muốn chọn phần nào trong những phần này trước mặt Con Mẹ và Mẹ. Nếu con thấy Chúa Cứu Thế, Đức Phu Quân và Chúa của con, bị hành hạ, đánh đập, đội mão gai và phủ ngập những lời chửi rủa, đồng thời con muốn dự phần với Chúa, là thành phần trong nhiệm thể Chúa, thì hẳn là không xứng hợp chút nào nếu con sống miệt mài trong khoái lạc xác thịt. Con phải là người bị hành hạ chứ không thể là kẻ hành hạ, người bị đàn áp chứ không thể là kẻ đàn áp; là người vác thánh giá, người đương đầu chịu đựng mọi sỉ nhục, nhưng không phải là người sỉ nhục; là người chịu đau khổ chứ không làm cho người khác đau khổ.

Đây là phần dành cho các bạn hữu của Thiên Chúa và là phần gia tài của con cái Chúa trong đời sống trần gian. Trong phần gia nghiệp này có sự tham dự vào ân sủng, vinh quang, mà Con và Chúa của Mẹ đã mua cho họ bằng những hành hạ nguyền rủa sỉ nhục, bằng cái chết trên Thánh Giá. Cả Mẹ nữa, Mẹ cũng đã cộng tác trong việc này và phải trả bằng những thống khổ đau đớn như con đã hiểu, Mẹ muốn không bao giờ con để cho bị xoá đi trong ký ức của con. Dĩ nhiên Chúa có đủ quyền năng làm vẻ vang những người được tuyển chọn ngay khi họ còn ở trần thế, ban cho giàu sang của cải, những đặc ân vượt trên mọi người khác, làm cho dũng mãnh như sư tử để đặt các người khác dưới quyền lực vô địch của họ. Nhưng Thiên Chúa không làm vẻ vang những người Ngài yêu thương theo cách này, để nhân loại khỏi rơi vào lầm lạc, khi nghĩ rằng sự cao cả vĩ đại gói ghém trong các thứ hữu hình và hạnh phúc nơi của cải trần thế; để họ khỏi bị xúi giục bỏ đường thánh đức và làm mờ vinh quang Thiên Chúa; để họ được nếm hiệu lực ân sủng Thiên Chúa, không ngừng khao khát hướng về những thứ siêu nhiên vĩnh cửu. Đây là khoa học Mẹ muốn con không ngừng nghiên cứu học hỏi, suốt đời con phải mỗi ngày mỗi thăng tiến, thực hành các điều con học hiểu và biết được.